Wednesday, April 2, 2025

Việt kiều hồi hương

 Nguyễn Thị Thanh Dương


Ông Mạnh vừa tới tuổi về hưu đã đắn đo suy nghĩ mấy tháng mới quyết định sẽ hồi hương về Việt Nam, một làng quê nhỏ tỉnh Bến Tre nơi ông được sinh ra, để sống an hưởng tuổi xế chiều bên đại gia đình, ông còn bà mẹ già sống với gia đình đứa em gái và nhiều họ hàng nội ngoại xung quanh.

Ông Sang bạn thân thiết, biết ông Mạnh về Việt Nam vì sống ở Mỹ cô đơn thiếu tình cảm gia đình, nhưng ông Sang vẫn lung lạc bạn:

– Tôi coi youtube một ông Việt Kiều Mỹ hí hởn mang mấy thùng hành lý hồi hương về Việt Nam hưởng thú điền viên tuổi già. Ông ta khoe 2 thùng hành lý to chứa toàn đồ mới mua ở Costco, nào thuốc tây, thuốc bổ và bao nhiêu thứ vật dụng khác. Ủa, về Việt Nam sống mà vẫn tiếc rẻ mang theo đồ Mỹ? Chắc khi nào xài hết 2 thùng đồ Costco ông ta lại… hồi hương trở lại Mỹ quá.

Có người đồng tình với ông Mạnh, trở về là vì những tình thân ruột thịt, vì quê hương yêu dấu, khi chết được gởi nắm xương tàn trên quê cha đất tổ, gần mồ mả tổ tiên.

Ý kiến bạn bè làm ông phân vân, nhưng khi ông Mạnh hỏi ý kiến thằng con trai duy nhất Ryan coi như nó đã quyết định cuối cùng giùm ông, nó trả lời ba phải:

– Tùy ba, miễn là ba thích.

Ryan lớn lên ở Mỹ, lấy vợ Mỹ nên nó suy nghĩ kiểu Mỹ, luôn tôn trọng quyền riêng tư của người khác.

Ông Mạnh vượt biên cuối mùa, 3, 4 năm trong trại tị nạn Thái Lan đợi chờ thanh lọc ông đã yêu và kết hôn với một cô gái. Hai vợ chồng và thằng con nhỏ chưa tròn một tuổi may mắn đậu thanh lọc, đến Mỹ năm 1991.

Ông Mạnh góa vợ đã 3 năm nay. Ông buồn và hụt hẫng bơ vơ. Gia đình con trai ở cùng thành phố nhưng con dâu Mỹ, cháu nội Mỹ là thế giới khác với ông, may ra còn thằng Ryan nhưng nó cũng chẳng rảnh mà quan tâm gần gũi cha được.

Ông siêng về Việt Nam thăm gia đình hơn thời vợ còn sống, ông Mạnh đã chi tiêu hào phóng với thân nhân ở Việt Nam. Mẹ ông và gia đình cô Mai em gái luôn hớn hở vui đón ông về thăm và bày tỏ bao niềm thương nỗi nhớ khiến ông cảm thấy ấm lòng.

Mẹ và vợ chồng cô Mai hoan hỉ đón ông Mạnh hồi hương mà họ hàng gần xa, hàng xóm láng giềng cũng chào đón ông hoan hỉ không kém. Trước khi ông về, mẹ và em gái ông đã hãnh diện khoe với vài người thân quen rằng mấy chục năm ở Mỹ ông có vốn liếng to và lương hưu hàng tháng của ông 1 ngàn rưỡi đô la Mỹ tính ra gần 40 triệu tiền Việt, cỡ mức lương của trí thức Việt Nam làm cho công ty nước ngoài. Cái tin này lan ra khắp xóm ai cũng ngạc nhiên và trầm trồ chờ đợi ông Việt kiều hồi hương.

Ôi những bữa tiệc tùng chào đón sao mà vui, sao mà nghĩa tình thế, ngoài ruột thịt nhà mình, còn có ông bác ông chú, bà chị họ, ông anh họ xa lơ xa lắc cũng nhất quyết mời đứa cháu đứa em xa quê bao năm, đến nhà ăn mừng ngày đoàn tụ. Thậm chí một bà hàng xóm gặp ông Mạnh đã nửa đùa nửa thật mời mọc:

– Nè, ông Việt kiều, bữa nào ghé nhà chơi, con gái út tôi mới 40 tuổi chưa lập gia đình lần nào. Chịu hôn, tôi gả cho.

Những ngày sau đó ông Mạnh mới hoàn hồn, thảnh thơi đi quanh xóm làng, ngắm cảnh đồng ruộng bao la, vườn cây trái xanh um, hàng dừa cao soi bóng nước. Quê hương đẹp quá, nơi đây ông sẽ vui sống tuổi xế chiều.

Ngôi nhà của cha mẹ ông Mạnh trước kia là căn nhà cấp 4, từ khi ông Mạnh về thăm quê, mẹ ông đã nói căn nhà này đáng ra là của con, nhưng con ở Mỹ nên gia đình em gái con về ở chung với mẹ, giúp mẹ cúng giỗ ông bà tổ tiên, con có tiền thì giúp mẹ xây lại nhà cho đàng hoàng.

Ông Mạnh đã gởi tiền về xây căn nhà thành một trệt và hai tầng lầu, uy nghi lộng lẫy nhất nhì trong xóm, mỗi tầng 3 phòng rộng rãi.

Mẹ ông ở tầng trệt, lầu hai vợ chồng cô Mai, lầu ba vợ chồng con trai cô Mai ở. Ông Mạnh ở một phòng tầng trệt cùng với mẹ, ông thấy thoải mái. Ăn nhiều chứ ở bao nhiêu.

Những ngày đầu là những bữa cơm chung cả nhà vui vẻ, đại gia đình gồm ông Mạnh, bà mẹ, vợ chồng em gái, cùng con trai con dâu và 2 đứa cháu nội của họ, tổng cộng là 8 người. Cô Mai còn có đứa con gái lấy chồng ở Sài Gòn chưa tính, nó mà về quê ở chung chắc phải xây thêm từng lầu nữa.

Sau đó vì giờ giấc công việc của vợ chồng cô Mai bận rộn, để không làm phiền vợ chồng em phải cơm nước phục vụ mình và chính ông Mạnh cũng muốn sinh hoạt, cuộc sống tự túc cho khỏe người. Ông đề nghị sẽ nấu ăn riêng với bà mẹ, thích gì ăn nấy, bao nhiêu món ăn quê hương đang chờ đợi ông.

Mỗi sáng ông Mạnh tà tà đi bộ ra quán nơi đầu chợ gần nhà ăn tô hủ tíu, uống ly cà phê dân dã, giá tiền Việt tính ra tiền Mỹ rẻ rề. Rồi ông đi chợ, cái chợ quê này nhiều người biết ông là Việt Kiều hồi hương, vì nghe đồn, vì nhìn thấy tướng tá bảnh bao của ông và vì cách ăn nói của ông. Khi ông mua miếng thịt, con cá, bó rau họ tính tiền bao nhiêu ông cũng nói OK trả tiền và cám ơn đàng hoàng. Thế nên mấy bà ngoài chợ rất thích bán hàng cho ông, đã mau mắn lại bán được giá cao hơn. Chưa hết, mấy bà, mấy cháu nhỏ bán vé số cũng đánh hơi ông Việt Kiều dễ tính đã mời chào ông mua vé số, ông mua vài tấm họ năn nỉ bám riết ông phải mua thêm. Ngày nào ông cũng có một mớ vé số trong túi.

Đời là những ngày vui.

Đã vài tháng trôi qua, ông Mạnh tạm quen dần nếp sống mới, phong cảnh làng quê, chợ búa đã trở nên quen thuộc. Một hôm cô Mai đã hỏi khéo ông:

– Anh Hai về Việt Nam đã hơn 6 tháng rồi mà em chưa thấy anh Hai động đậy chi …

Mẹ ông sốt ruột vô đề luôn:

– Chuyện nhà cửa đó con.

Ông Mạnh ngạc nhiên:

– Ủa, ý má và Mai là sao?

Má và Mai muốn biết khi nào con sẽ mua nhà để lo liệu tìm kiếm cho.

Ông Mạnh càng ngạc nhiên:

– Ủa… Ủa…má và Mai đã sắp xếp cho con ở một phòng tầng trệt này là đủ rồi, con muốn ở chung với má với em và các cháu cho ấm tình đâu cần mua nhà riêng nữa.

– Con ơi, căn nhà này má đã sang tên cho vợ chồng con Mai rồi, con trai Việt Kiều của má phải mua nhà khác đẹp hơn to hơn cho hàng xóm nể nang chứ con.

Cô Mai thêm vào:

– Anh mua nhà coi như đầu tư luôn, nhà đất luôn luôn có lời mà, để tiền không cũng uổng, rồi anh nghe bà con họ hàng than thở cho họ vay mượn hao hụt đi. Bác Tư đã mượn anh 20 triệu sửa nhà, anh Bảnh đã mượn 30 triệu đào ao nuôi cá. Em xót ruột giùm anh mà cản không kịp …

Ông Mạnh ngỡ ngàng chưa biết trả lời sao thì ngoài sân có tiếng người, ông Mạnh tưởng là anh công an xã ghé nhà chơi và rủ ông đi uống cà phê như thường lệ, thì hai bà cán bộ hội phụ nữ xã bước vào, hớn hở:

– May quá có chú Mạnh ở nhà.

– Chào hai cô đến nhà chơi.

– Dạ… dạ… từ ngày chú về quê tươi khỏe ra hen. Trước là chúng tôi đến thăm chú sau là xin chú ủng hộ tài chánh cho hội phụ nữ giúp các chị em có ‘sự cố ‘ và neo đơn.

Lần trước hội phụ nữ đã đến quyên tiền vụ gì rồi, nay lại vụ này nữa. Chỉ riêng hội phụ nữ đã mấy lần, còn mấy hội khác nữa ông Mạnh không nhớ hết, nào ủy ban mặt trận quyên góp cho bão lụt ở mãi đâu, nào “Hội khuyến học” của xã, giúp các cháu con nhà nghèo mua sách vở dụng cụ học đường v.v.

Họ đã đến tận nhà thăm hỏi tử tế và quyên góp, lần nào ông Mạnh cũng chi tiền hậu hĩ.

o O o

Thế là đã hơn một năm ở làng quê, ở Việt Nam, sau những ngày đầu vui thích háo hức, mọi cảm xúc xẹp xuống, cuộc sống đời thường dần dần hiện ra. Ngoài xã hội ông thấy lại những ký ức xưa, những cán bộ, những anh công an phường xã, ông làm giấy tờ gì cũng cực khổ “lên bờ xuống ruộng”, cũng biếu tiền tặng quà. Rồi trong gia đình mẹ và em gái hối thúc ông mua nhà, dòm ngó vào túi tiền của ông. Ông Mạnh đã bị một cú “sốc” lớn, ông buồn lòng, căn nhà ông đã bỏ bao nhiêu tiền để xây dựng đẹp đẽ khang trang, ông chỉ ở một phòng cũng không xong. Mẹ ông thì sĩ diện khoe khoang tưởng ông nhiều tiền lắm của, em gái ông thì tham lam, họ muốn ông mua nhà riêng để ở và sau này ông qua đời, căn nhà ấy lại thuộc về cô em gái và con cháu cô. Người thân ruột thịt còn tính toán lợi dụng thế nói chi bác Tư, anh Bảnh họ hàng bà con đã mượn tiền ông, nói chi đến chính quyền địa phương đã moi ruột ông đóng góp đủ thứ tiền mà ông chẳng biết những đồng tiền ấy sẽ đi về đâu. Ông cảm thấy mình bị lợi dụng, bị “trấn lột” vì “nghĩa tình”.

Ông Mạnh đã suy nghĩ khó khăn bao nhiêu khi quyết định hồi hương về Việt Nam sống với người thân. Hôm nay ông đã quyết định dễ dàng và mau chóng bấy nhiêu để… hồi hương về Mỹ.

o O o

Ông Mạnh trở về Mỹ nhẹ tênh với chiếc túi xách tay. Ông Sang ra phi trường đón bạn:

– Tôi biết ngay mà, thế nào ông cũng về lại Mỹ, nhưng không ngờ ông về sớm thế.

Ông Mạnh mỉm cười:

– Rời nước Mỹ đi xa, đi lâu, tôi mới thấy mình đã quyết định sai. Mấy tháng đầu ở Việt Nam tôi phải học lại cách sống, cách ứng xử với mọi thứ xung quanh mà dần dần vẫn không tìm được những gì tốt đẹp như mình nghĩ.

Ông Mạnh nhớ ra:

– Biết đâu ông Việt Kiều hồi hương với 2 thùng đồ Costco trên youtube mà ông đã kể tôi nghe cũng đã trở về Mỹ. Không biết ông ta có quay video chuyến trở về Mỹ cho mình xem không nhỉ ..

Ông Sang vừa lái xe vừa nhận xét:

– Ngoại trừ Việt kiều hồi hương vì lý do gia cảnh hoặc vì lý do gì đó họ không thích hợp cuộc sống ở Mỹ, còn những người từng sống chết vượt biên, những người từng khao khát đợi chờ được xuất cảnh tị nạn hay đoàn tụ gia đình đến một đất nước tự do dân chủ để làm lại cuộc đời nơi vùng đất hứa, sau nhiều năm làm việc dành dụm lại ôm tiền về Việt Nam sống khoe khoang ta đây Việt kiều thì tôi mắc cỡ giùm..

Ông Sang kết luận:

– Nước Mỹ tự do chẳng cấm cản công dân Mỹ ra đi và cũng không hoạnh họe khi công dân ấy trở lại Mỹ, nên một số các ông bà Việt Kiều mới “le lói” hồi hương cho tới khi bầm giập hết tình hết nghĩa, hết tiền hết bạc hay ốm đau thập tử nhất sinh thì quay trở về Mỹ hưởng tiếp quyền lợi. Nếu nước Mỹ mà chơi ác ra luật “Bước chân đi cấm kỳ trở lại” đố ông bà Việt Kiều nào dám hồi hương Việt Nam.

NTTD (Jan. 22- 2025)
______________________

Đời mơ hồ qua mau ..

QUINHON11

Phú Sỹ ngũ hồ - QN11
45 năm rồi mới trở lại Nhật. Khung cảnh có khác đi nhiều, phi trường Tokyo vào sáng sớm sương mù giăng phủ, vẫn có mưa phùn lất phất bay nhưng thiếu những ngọn đèn vàng dọc theo phi đạo. Cảm xúc như chợt ùa về dù lặng lẽ, kín kẽ nhưng vẫn làm tôi nghẹn thở vài giây. Có những loại cảm xúc chỉ mình mình hiểu trong thinh lặng, dù có trải bày cũng e rằng không ai có thể cảm thấu.

Đêm qua, lạ chỗ khó ngủ, nữa đêm thức giấc, pha cà phê đi xuống ban công trước sảnh khách sạn ngồi. Trong bóng đêm, khí hậu khá lạnh, quấn khăn cổ, thêm chiếc áo khoát dày vẫn thở ra khói. Mùi cà phê thơm lựng, một mãnh hồn theo khói trôi về miền ký ức nào đó rất xa.. xa tít mù khơi.. của những năm tháng tuổi hai mươi , tràn đầy năng lượng, hào khí ngút trời. Tâm niệm sống đẹp, sống có ích, xem sinh mạng nhẹ tựa lông hồng. Rồi tình cờ lạc bước vào Facebook của anh Vũ Đăng Khuê, thấy lại bài hát "Chia Tay Lúc Tuổi 22".. Dù đã nghe nhiều lần, nhưng lúc này, trong khung cảnh này, nghe lại vẫn có chút ướt mi, bồi hồi xúc động. Thanh xuân chính là khoảng thời gian tươi đẹp và đáng nhớ nhất của mỗi người.

Nhìn lại, đời mình có hai giai đoạn đáng nhớ, dù không phải hoàn toàn là mộng đẹp nhưng đấy là những giây phút đáng sống và tràn đầy ý nghĩa. Dù chỉ là những hạt bụi nhung tơ nhưng đã gắn kết, hình thành nên một tôi hiện tại. Đó là hai năm cuối trung học lúc miền nam sụp đổ. Biến động, đổ vở, tang thương, Một nhóm bạn cùng nhau chia ngọt, x bùi, cùng khóc, cùng cười trước vận mệnh đất nước.. rồi chia tay mỗi người một hướng.

Tiếp đó là khoảng thời gian gần 3 năm ở Nhật.. cô gái trẻ với một gánh nặng trách nhiệm gia đình trên vai, bề ngoài lúc nào cũng tỏ ra cứng cỏi, hiên ngang, đầu đội trời chân đạp đất.. Những ma sát, va chạm trong một cộng đồng nhỏ chưa tới 200 người, gồm nhiều thành phần khác biệt. Những trăn trở cho vận mệnh đất nước cho người ở lại, một khoảng không gian vô định trước mặt cho người bỏ nước ra đi.. và những cuộc chia tay đầy khắc khoải của tuổi 20.. Là một tôi thuở ấy trùng trùng nhiệt huyết.

Hào hùng một thuở tuổi đôi mươi
Sá chi sóng, gió, bão trùng khơi (Hồ Viết Bình)

Từ thưở chia xa, chân bước xuống đời, cơm áo gạo tiền, trách nhiệm bổn phận, thực tế thấm thía chử “ĐỜI”.. 

Giờ mắt mờ chân mỏi.. cõi nhân sinh chỉ còn chập chờn những ảo giác.. hạnh phúc thấp thoáng nụ cười. Khổ đau, ly biệt làm lệ ướt hoen mi…

Những cô gái nhỏ năm xưa
Bây giờ tóc đã lưa thưa trổ màu
Ngày qua vùn vụt bóng câu
Vũng đời trôi nổi cạn sâu bao lần.. (H
ạ Anh)

Một tôi của hiện tại.. Đời mơ hồ qua mau ./

vườn dâu ở Nhật
ăn no luôn- mua vé mỗi người $16 (usd)

Osaka Castle

Núi Phú sĩ


QUINHON11- 03/2025

___________________________

Monday, March 31, 2025

Uống cà phê như thế nào để bảo vệ trái tim ?

Dân Trí

Việc uống cà phê như một thói quen hàng ngày mà không quan tâm đến liều lượng hoặc tác động lâu dài lên cơ thể có thể khiến trái tim phải trả giá.

Một tách cà phê vào buổi sáng giúp nhiều người tỉnh táo, cải thiện tâm trạng và tăng hiệu suất làm việc.

Saturday, March 29, 2025

Bụng bự, kém trí nhớ và suy giảm nhận thức khi ‘có tuổi’

Sam Nguyễn

Từ xa xưa người ta đã nói “vòng bụng to thì vòng đời ngắn lại,” bụng bự không chỉ liên quan đến thẩm mỹ mà còn là mối nguy hiểm với sức khỏe.

Một nghiên cứu mới phát hiện vòng eo lớn hơn có liên quan đến tình trạng suy giảm nhận thức nghiêm trọng hơn ở người lớn trên 60 tuổi.

Các nhà nghiên cứu tại Trinity College Dublin vừa phân tích dữ liệu của gần 5.200 người lớn tuổi ở Ireland tham gia vào một nghiên cứu toàn quốc nhằm xem xét nhiều yếu tố về sức khỏe và lối sống.

Friday, March 28, 2025

NGƯỜI MẸ…

PHAN HỒNG DUY

Tôi gặp bà trong 1 dịp theo đoàn thiện nguyện vào thăm các cụ già neo đơn trong viện dưỡng lão. Tuy là 1 viện dưỡng lão tư nhân dành cho những người có điều kiện về vật chất nhưng có rất nhiều cụ ông, cụ bà tiền bạc đếm không xuể nhưng chẳng có người thân thăm viếng vấn an cho những ngày cuối đời; thậm chí có thể nhắm mắt xuôi tay mà chẳng có 1 người thân bên cạnh. Do vậy thỉnh thoảng 1 vài tháng nhóm chúng tôi vào thăm, trò chuyện và tổ chức những trò giải trí cho các cụ. 

Wednesday, March 26, 2025

Chia ly chiều tuyết phủ

 Như Sao

microsoft ai – bảo huân
Một cuộc chia ly thật cảm động. “Nhân vật” chính là ông già và con chó thương yêu. Cả hai đã sống với nhau bao nhiêu năm nhưng giờ đây không được nữa rồi. Trong chiều tuyết phủ, người và chó buông nhau ra, bỗng nghe tiếng “Chúc Mừng Giáng Sinh Vui Vẻ”, lệ chực trào ra trên khóe mắt ta nhưng đồng thời lòng cảm thấy ấm áp bao nhiêu.

Tuesday, March 25, 2025

Bánh cam mặn

Tạ Phong Tần

Thời tôi còn ở Sài Gòn, tôi phải bỏ thời gian ra lùng sục nhiều nơi, cuối cùng mới phát hiện ra những con đường có nhiều xe đẩy bán rong bánh cam, bánh còng là Phan Xích Long (tên cũ: Thái Lập Thành, quận Phú Nhuận), quanh nhà thờ Kỳ Ðồng (quận 3) và quận Gò Vấp.