Wednesday, October 12, 2011

THẦY MƯỜI



Author : RongChơi

Nghe sis QuiNhơn dặn người nhà không dẫn các cháu  đi đến những chỗ xem bói , làm Rongchoi nhớ hồi xưa ở VN , nhà của ba má RC chung vách với 1 ông thầy…bùa . Cho RC lẫm cẫm nhắc chuyện xưa nha .
Ngôi nhà mà Má của RC đang ở là do ông bà ngoại tạo dựng từ thời khai khẩn. Khi ông bà đến đó chỉ có hai vợ chồng nghèo nên xin tá túc trong đất người ta. Gia đình ông Hai chủ điền là người tử tế, cho nhiều người ở trong đất của mình để phụ giữ gìn và đóng thuế đất.

Ông bà ngoại thay mấy lần tranh thì ngôi nhà được lợp ngói , vách ván , cột cây coi cũng khá chắc chắn . Người đến xin ở xóm đó ngày càng đông , đa phần là người tứ xứ , nghèo lắm . Ông bà ngoại ở đó chừng 5 năm , có một người (ông Mười) đến xin cất nhà kế bên nhà ông bà ngoại để họ được dùng chung vách . Cùng cảnh nên ông bà sẵn lòng giúp ngay , cho người đó buộc cây xà ngang của họ vào cột nhà ngoại vì họ ở xa mới đến , chưa có cây to làm cột cái , nên khoảng trên gần nóc của hai nhà thông với nhau . Gia đình họ chỉ có 2 người , bà vợ đang mang thai , thấy bà làm dưa mắm đem bán , còn ông thì nghe đâu làm thầy bùa , gọi là Thầy Mười.

Ngoại kể trước nhà họ có trồng bụi cây , ông Mười hay cúng trứng vịt sống cho đám cây đó , ông nói rằng tụi ngãi “ăn” mạnh lắm , cúng tàn cây nhang là chỉ còn vỏ trứng thôi . Cả xóm ai nghe cũng sợ , dặn con nít không được mon men lại gần đám cây đó .
Ông Mười thấy nhà ai có trẻ con hay người bệnh đều nói để ông cúng cho . Có người tin , người không . Vợ ông hay khoe , bữa nào bán ế , hôm sau ông ghé chợ , lấy đũa trộn thau mắm của bà thì bữa đó bán đắt lắm .
Ngoại nói thỉnh thoảng thấy người lạ đến nhà ông Mười , vì nhà chung vách , bên kia nói gì , nhà ngoại nghe hết trơn . Biết ông làm thầy bùa trị bịnh tà ma và trù yếm người ta nữa . Ngoại thấy mình ở gần người không lành nên dặn con cháu cẩn thận , không nên va chạm .

Bao nhiêu năm trôi qua sống chung một xóm , ai cũng ngại đụng đến nhà ông Mười . Cảnh nghèo khó nên nhà ai cũng hay lục đục chuyện cơm áo nhưng nhà của ông Mười là náo loạn hơn hế t, thường làm ảnh hưởng đến người xung quanh , con cái của ông rất hung dữ và lấn áp xóm giềng . Mà lạ 1 điều như chu kỳ vậy , cứ Tết đến , sáng mùng 1 là nhà ông gây lộn , đập chén dĩa , còn vác dao dí nhau chạy quanh xóm . Bà vợ hay gõ đầu con bằng miểng dừa khô , khiến thằng út vừa hung dữ vừa khật khờ .

Khi RC lớn lên thì ông Mười ít ở nhà mà bỏ đi với bà khác , nghe bà Mười than kể là hồi trước bà cũng có 1 đời chồng với 4 đứa con , con gái út chưa đầy năm mà ông thầy bùa này dụ dỗ bà theo ông đến xứ này , giờ ổng cũng bỏ bà với 3 đứa mới sinh sau .

Tuổi thơ của RC chỉ biết nhiều về bà vợ này cùng với đám con 3 đứa của bà . Quả thật bà rất dữ , bây giờ RC sắp già rồi mà vẫn chưa thấy ai hơn bà . Nhưng chắc RC đã nghĩ sai vì trí non nớt của tuổi thơ ,  bị ấn tượng quá sâu sắc những hành động và cách dạy con...kinh khủng của bà.
Mà sao ở xóm ai cũng chịu nhịn , không đáp trả hay thù hằn , chỉ thầm mong ngôi nhà đó dọn đi . Sau này nhà RC cất lại , họ xin luôn bức vách chung đó , má RC đào móng khác cách vách cũ xa xa cho đỡ phải va chạm .
RC lan man lạc đề đi đâu rồi , thôi quay lại lúc RC chừng 10 tuổi . Nhà ngoại ngói cũ , mạng nhện nhiều lắm , cứ 1 tháng là Má kêu cột chổi mật cật vô cây sào dài , rồi quơ khắp mái nhà . Bụi đất sét của ngói cũ rơi vào mắt hoài , nhưng phải ráng vì Bà ngoại nói nhà mình ở không nên để nhện giăng , làm ăn không nổi .

Có lần quét qua mấy cây đòn tay , thấy rớt xuống miếng giấy ngả màu vàng úa , RC mở ra thấy nét vẽ loằng ngoằng đã phai . RC đưa má coi , má bảo đem đến bàn thờ Thiên Nhãn , bỏ vào chuông đốt , rồi kiếm 1 miếng giấy cũ khác xếp lại nhét vào chỗ mái ngói . Má nói má không biết giấy gì , nhưng ông bà ngoại mình xưa giờ không có làm mấy chuyện này . Má cứ để miếng giấy đó cho tới ngay cất nhà mới , không ai biết Má tráo giấy khác .

Má còn kể hồi RC mới 1 tuổi , bệnh ban đỏ , nóng sốt nhiều , thấy Má lo kiếm thuốc . Ông Mười nói để ông trị dùm cho , ông cho biết RC là con một nên bị tà ma theo phá , chỉ cần thờ cúng là hết bệnh . Má RC không cãi nhưng nói nhà bề bộn , để dọn dẹp cho có chỗ rồi thờ . Lần lựa ngày tháng qua , Má cho RC uống thuốc nên hết bệnh . Ông không có cớ kêu thờ cúng nữa nhưng ông không vui , hay bày chuyện làm khó , Má của RC quá quen rồi nên cũng lách trách cho qua cho đến khi RC lớn thì ít thấy ông Muời ở đó .

Sau này (nhưng cũng lâu rồi) , con gái của ông Mười có trở lại xóm thăm , kể rằng ông Mười bệnh và chết ở bên nhà bà vợ sau . Ông trãi qua 1 thời gian dài đau đớn , tinh thần vô cùng khổ sở như người điên loạn , ông có lúc nổi cơn dữ dằn , có lúc thì quỳ lạy van nài . Nhà vợ sau của ông gần chùa , có ông sư già nghe vậy nên đến thăm , ông sư nhìn ông Mười rồi than rằng nghiệp ác sâu dày , đã may duyên sanh làm người mà sao để ra nông nổi .

Xóm cũ vẫn vậy , gia đình bên ngoại của RC vẫn còn người ở đó , vẫn ở trọ trong đất ông Hai chủ điền như mấy chục năm qua , chủ đất bây giờ là con cháu của ông Hai , cũng như ông bà , họ không bán đất , vẫn lấy giá rẻ và cư xử tử tế với tất cả láng giềng . Những gia đình tứ xứ đó giờ con cháu đông đầy , vẫn sống hạnh phúc quanh đó .

Duy chỉ có gia đình ông thầy bùa ...tự nhiên tan rã , tan như bọt nước vậy . Người con gái của ông có khi về thăm xóm cũ ,  cô ấy nói ... thưở trước gia đình ở không phải, nay trôi dạt phương khác sống , có trầy trật với đời mới biết xóm giềng nơi đây thật là bình yên .

Nhắc lại những chuyện này , RC nhớ bà con làng xóm ngày xưa biết bao . Xứ Việt bây giờ tình làng nghĩa xóm cũng bị ... hàng rào hóa ít nhiều , tối lửa tắt đèn chắc cũng khó leo qua giúp đỡ ...

RongChơi  (C.N )

2 comments:

  1. Bài viết kể lại chuyện xưa đọc & ngẫm nghĩ, rất có ý nghĩa.

    Bài viết giản dị, dễ hiểu, độc như nghe kể chuyện vậy, rất thích.

    Cám ơn Rong Chơi Mong được đọc tiếp các bài viết khác

    ReplyDelete
  2. .. QN cũng thích giọng văn của RongChơi lắm , hiền hoà giản dị mang âm hưởng của người miền Nam , Sis Rongchơi tuy viếtkhông nhiều ,nhưng bài nào cũng đạt . QN sẽ post thêm bài của sis ấy trong tương lai gần .
    Thân mến ./

    ReplyDelete